CHÀO QUÝ MÃO 2023 – NĂM CỦA THÍCH ỨNG!
Nếu 2022 là năm của HÀNH ĐỘNG – thì 2023 sẽ là năm của THÍCH ỨNG.
2022 chứng kiến hàng loạt các HÀNH ĐỘNG chưa từng có, tạo nên những bước ngoặc quan trọng cả trong nước và quốc tế, buộc sang 2023 chúng ta phải học cách THÍCH ỨNG với nó. Đơn cử một vài hành động điển hình:
1- Hành động quân sự đặc biệt của Nga tại UCR mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên chiến tranh để phân chia quyền lực giữa các nước lớn. Nếu thế chiến hai là cuộc chiến chống diệt chủng phát xít, chiến tranh lạnh là cuộc chiến của ý thức hệ, thì lần này là cuộc chiến bảo vệ lợi ích và duy trì tầm ảnh hưởng. Mỗi người, tùy theo nhận thức và hệ qui chiếu của bản thân, sẽ có những đánh giá khác nhau về cuộc chiến này. Nhưng một điều rõ ràng là từ 2022, thế giới không còn như trước nữa, các giá trị tạo nên một thế giới hiện đại sau chiến tranh lạnh đang bị thách thức nghiêm trọng. Toàn cầu hóa đang bị phân mảnh, thế giới đa cực, đa trung tâm đang dần định hình. Sự thịnh vượng ở các nước phát triển đang bị đe dọa, sự trỗi dậy của các trung tâm kinh tế – công nghệ mới, dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Châu Á, không còn nghi ngờ gì nữa, đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển toàn cầu trong thế kỷ 21. Quá trình tái lập trật tự thế giới mới luôn đi kèm với những cuộc chiến qui mô lớn, ảnh hưởng sâu – rộng, tàn khốc và tang thương. Dù không ai muốn, nhưng đó là điều tất yếu của lịch sử. Các nước lớn đánh nhau và họ chỉ dừng lại khi đã leo thang hết mức. Rồi sẽ có bên thắng bên thua, trật tự mới sẽ được thiết lập, luật lệ mới sẽ hình thành, các tổ chức mới sẽ ra đời. Nhưng điều chắc chắn là mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Các nước bé nhỏ hơn, trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng đầy rủi ro. Chỉ cần một sự lựa chọn sai lầm – có thể thay đổi số phận. Vì vậy, 2023 sẽ là một năm đầy thách thức với Việt Nam và cách tốt nhất là cần chuẩn bị thật tốt tinh thần và lực lượng để đối mặt với những bước ngoặc không thể dự đoán trước của cuộc chiến này và đừng xem nhẹ tầm ảnh hưởng của nó.
2- Hành động cắt giảm hơn 110 nghìn nhân sự của gã khổng lồ Meta (công ty mẹ của Facebook) – đánh dấu sự khởi đầu của sóng ngầm khủng hoảng và bất ổn kinh tế tài chính ngay trong lòng quốc gia giàu có nhất thế giới, ngay tại tâm điểm của lĩnh vực HOT nhất. Sau FB, các ông lớn khác đều lần lượt công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự khủng trong 2023 và làn sóng này đang tiến dần tới Việt Nam. Các gã khổng lồ công nghệ kỹ thuật số – niềm tự hào của IR4.0, hình mẫu mơ ước của cộng đồng DN toàn cầu – đang thực sự gặp khó khăn. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng cũng bình thường vì sự tiến hóa lúc nào cũng có qui luật như hình sin, có chu kỳ thịnh suy. Tuy nhiên, điều đáng nói là sức mạnh nào cũng có giới hạn, sức mạnh số cũng vậy. Nên tìm được sự cân bằng giữa Thực và Số, giữa Cứng và Mềm – có lẽ là bài toán khó nhất mà mỗi DN phải trả giá để tìm được câu trả lời. Trước mắt, thất nghiệp, lạm phát, vỡ nợ, khủng hoảng năng lượng, lương thực, nạn đói, bất ổn xã hội, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản đóng băng… Tất cả đều hiện hữu và rất rõ nét. Với mỗi người, nguy cơ mất việc, mất thu nhập, mất tài sản… luôn rình rập, nên hãy trân trọng công việc mình đang có, tiết kiệm, chăm chỉ và luôn sẵn sàng với mọi bất trắc.
3- 2022 còn chứng kiến hành động chưa từng có từ ngày lập nước Việt Nam mới đến nay. Hết Phó Thủ tướng, tới Phó Thủ tướng Thường trực, rồi đến cả Chủ tịch nước đều xin từ nhiệm, nghỉ hưu sớm khi nhiệm kỳ chỉ mới bắt đầu. Không tuyên bố nhưng người dân ai cũng hiểu đó là hệ quả của hàng loạt các đại án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh sự gia tăng niềm tin vào công cuộc đốt lò, thì với người bình thường, sự bất an cũng tăng theo. Dân thường an tâm thế nào được – khi chính những vị lãnh đạo cao nhất trong hệ thống đều không thể an tâm. Khủng hoảng niềm tin có lẽ là cuộc khủng hoảng đáng lo ngại nhất – cần được thích ứng sớm trong năm 2023.
4- Vinfast, thành viên của Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, mở rộng đầu tư ra nước ngoài, xây dựng nhà máy ở Mỹ, mở cơ sở ở châu Âu, chuyển đăng ký sang Singapore, chuẩn bị IPO trên sàn chứng khoán N.Y. Chúng ta mừng vì giấc mơ thương hiệu Việt tầm cỡ toàn cầu đang dần thành hiện thực – hoặc chí ít là có người VN dám làm và có thể làm được điều đó. Nhưng nhìn sang bên cạnh, thấy Jack Ma – tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc, đang bán dần sở hữu ở Alibaba, để tìm bến đỗ mới tại xứ mặt trời mọc. Xa hơn một chút, nghe nói chỉ trong 8 tháng đầu của xung đột, lượng tài sản mà giới tài phiệt Nga tìm cách chuyển ra nước ngoài đã gần gấp đối GDP quốc gia này. Làm thế nào để giới người giàu yên tâm đầu tư (trong nước hay nước ngoài), mà không phải tìm cách tẩu tán tài sản? Xử lý được cốt lõi vấn đề này, chúng ta mới bắt đầu chạm vào được phần lõi của động lực tăng trưởng trơng thời kỳ mới. Nhìn lại tiến trình đổi mới chúng ta thấy:
a- thập niên 80 – động lực phát triển dựa sự cởi trói cho các thành phần kinh tế;
b- thập niên 90 động lực là cộng hưởng sức mạnh hội nhập quốc tế (trở thành thành viên ASEAN, bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, FTA;
c- thập niên 2000 là toàn cầu hóa với 17 FTA thế hệ mới, đưa VN trở thành một mắt xích, một trung tâm phát triển toàn cầu. Thế còn lúc này? Động lực là gì khi toàn cầu hóa đang bị thách thức, khi mọi thứ trở nên khó đoán định và bất thường? Khi chỉ có tự lực, tự cường và thực sự mạnh mẽ thì mới bảo vệ được mình? Tôi nghĩ động lực phát triển của giai đoạn này là chúng ta phải tự thay đổi một cách thực chất, bản chất – cải cách thể chế một cách có hệ thống, đi thẳng vào các vấn đề cốt lõi, không né tránh: là xã hội dân sự, là sở hữu, là nhà nước pháp quyền.
5- Chiều 29 Tết, tranh thủ đi cắt tóc, gặp cô hàng giò chả đi gội đầu, hỏi buôn bán thế nào cô ơi? “Em nói bác nghe, năm nay lạ lắm, cả tuần gần Tết không ai sắm sửa gì, chờ đến 3 ngày cuối đổ xô mua sắm – phục vụ chết mệt”. Hỏi: Sao lại thế? Là vì sau đợt covid mọi người thận trọng, có tiền rồi mới chi tiêu, mà tiền lại không có nhiều, nên cứ phải chờ tiền về cho chắc rồi mới chi. Sáng 30 ghé WinMart thấy hàng hóa ngập tràn – vui là vì muốn mua gì cũng có và phần lớn là hàng nội địa. Nhưng thoáng lo, có phải sức mua giảm và người dân đang thắt chặt chi tiêu nên hàng Tết tồn đọng? Mấy ngày Tết, nhờ chiến dịch thổi ngạt mà tình trạng tai nạn giao thông giảm hẳn. Ùn tắc thì vẫn vậy, chỉ có một điểm có vẻ tăng vượt lên. Ngay ngày đầu tiên mở Hội chùa Hương đã có hơn 40 nghìn lượt người trẩy hội. Tại Hà Nội, lối về Phủ Tây Hồ, Tứ Trấn đều có dấu hiệu ùn tắc ngay trong ngày mồng 1 Tết. Có phải cảm thấy bất an nên ai cũng muốn cầu mong một Năm mới thật Bình An là đủ?
6- 2023 đến như vậy đấy, đến trong bình thường mới của thời đại VUCA, của thời kỳ công nghệ số: Mơ hồ, bất ngờ và rủi ro. Nhưng qua mấy năm, chúng ta cũng quen dần, học dần cách thích ứng. Vậy, làm gì để thích ứng? Tôi nghĩ chỉ 2 từ thôi: Tự tin và Hành động. Trước hết, cần tin vào chính mình, vào thực lực của mình, tin vào những người xung quanh (gia đình, đồng đội), tin vào con đường mình đã chọn. Tự tin rất quan trọng, vì đó không chỉ là niềm tin mà còn là cầu nối để biến niềm tin thành hành động. Tự tin rồi thì Hành động ngay. Khi hành động cần chú ý tới phương pháp. Sự dụng vòng lặp OODA của John Boyd, một phi công và là chiến lược gia quân sự người Mỹ, để ra quyết định là rất phù hợp. Vì khác với PDCA (Plan-Do-Check-Action), OODA (Observe – Orient – Decide – Action) là cách thức đưa ra quyết định và hành động nhanh trong tình trạng khó dự đoán tình hình: Quan sát (Observe), Định hướng (Orient), Quyết định (Decide), Hành động (Action). Vòng lặp OODA kết hợp với dữ liệu và phân tích sẽ đảm bảo hành động hiệu quả trong bối cảnh mơ hồ. Trân trọng những gì đang có, tiết kiệm, tự tin hành động, hành động ngay, ra quyết định dựa trên dữ liệu, phân kỳ kiểm soát rủi ro. Mềm dẻo thích ứng – Mèo Vàng sẽ giúp bạn vượt qua mọi thử thách!
CHÀO QUÝ MÃO 2023!
CHÚC MỌI NGƯỜI MỘT NĂM TỰ TIN VÀ THÍCH ỨNG HIỆU QUẢ, ĐẠT NHIỀU THẮNG LỢI BẤT NGỜ!